Băng vệ sinh là nguyên nhân gây ra hội chứng sốc độc?
Dạo gần đây, trên một trang web về chăm sóc sức khỏe có chia sẻ thông tin về việc sử dụng băng vệ sinh (BVS) loại siêu thấm hút có thể gây ra hội chứng sốc độc. Thông tin này đang gây hoang mang cho các bạn gái. Tuy nhiên, các bác sĩ đã khẳng định đây chỉ là thông tin sai lệch về chuyên môn.
Hiểu lầm không đáng có
Theo tìm hiểu bài báo trên khi dịch từ tài liệu nước ngoài đã nhầm lẫn giữa 2 loại băng vệ sinh khác nhau là băng vệ sinh dạng que hay Tampon (còn được gọi là BVS dạng đũa, BVS dạng ống) và băng vệ sinh dạng miếng (Pads). Do không hiểu thuật ngữ chuyên môn, tác giả bài báo đã dịch “Tampon” (BVS dạng ống) là “băng vệ sinh loại siêu thấm”. Loại băng vệ sinh này có hình như chiếc que nhỏ bằng đầu ngón tay, khi sử dụng phụ nữ phải đưa vào sâu trong âm đạo (Tampon có một đoạn dây để có thể rút ra và điều chỉnh). Tampon chưa phổ biến tại Việt Nam, chủ yếu được sử dụng tại Mỹ và các nước Châu Âu.
Hội chứng sốc nhiễm độc thường xảy ra khi dùng Tampon. Trong khi đó, BVS dạng miếng đang được sử dụng nhiều tại Việt Nam với 2 loại chủ yếu là: siêu thấm (bề mặt dạng lưới, thấm hút tốt, phù hợp cho bạn gái có lượng kinh nguyệt nhiều) và loại mặt bông (bề mặt bông mềm mại nhưng thấm hút không tốt bằng loại mặt lưới). Các loại băng vệ sinh này khi dùng chỉ cần dán vào đáy quần lót, chúng tiếp xúc với phần ngoài của âm đạo nên hoàn toàn không có chuyện BVS dạng miếng có khả năng “hút dịch bên trong âm đạo, làm khô âm đạo”.
BS. Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm bảo vệ sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình TP. HCM cho biết “Sau khi có bài báo này đăng tải, nhiều bạn gái rất lo lắng gọi điện hỏi han tôi. Có người còn hỏi rằng “Nếu BVS siêu thấm hút được dịch âm đạo thì dùng quần lót thường chắc hẳn cũng sẽ bị hút dịch âm đạo. Suy ra chị em nên làm cho quần lót ẩm ướt để không bị bệnh?” Đây là một suy diễn sai lầm do hậu quả của bài báo, và tôi đã phải giải thích với họ rằng giữ cho vùng kín luôn thoáng sạch là điều rất cần thiết”.
“Giải oan” cho băng vệ sinh
BS. Thông cũng cho biết thêm: “Về chuyên môn, tôi thấy việc lo lắng là không cần thiết. Đây chỉ là những thông tin không rõ ràng làm nảy sinh tâm lý bất an cho cộng đồng. Tôi khẳng định từ trước đến giờ chưa từng nghe phản hồi nào về bệnh sốc nhiễm độc liên quan đến việc dùng BVS siêu thấm dạng miếng. Nếu có, chúng tôi đã phải lập tức nghiên cứu và xử lý. Việc BVS lót ngoài có thể hút được dịch bên trong cơ thể chỉ là chuyện siêu tưởng.”
Hội chứng sốc nhiễm độc (Toxic Shock Syndrome – TSS) là một tình trạng bệnh do độc tố vi khuẩn Streptoccoci gây ra. Đây là căn bệnh hiếm nhưng có thể dẫn đến chết người. Theo Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì việc sử dụng Tampon có độ thấm hút quá cao có nguy cơ gây nhiễm TSS. Do khả năng hút thấm mạnh, lại được đưa sâu vào âm đạo nên Tampon có thể hút cả những chất dịch có tác dụng giữ ẩm nằm sâu trong âm đạo của người phụ nữ, làm khô môi trường bên trong âm đạo. Ngoài ra do Tampon cũng tương tự như là một dạng dị vật được đưa vào cơ thể nên đôi khi người dùng dễ bị phản ứng.
Cần trang bị kiến thức dùng BVS đúng cách
Theo các bác sĩ, tuy việc dùng BVS dạng miếng không gây nguy hại, song chị em phụ nữ cũng nên nắm vững một số kiến thức cơ bản về cách dùng BVS đúng cách. Chị em nên thay BVS thường xuyên (khoảng 4 tiếng/lần) để luôn giữ được sự khô ráo, sạch sẽ. Chị em có làn da nhạy cảm và không bị ra quá nhiều kinh nguyệt có thể dùng loại BVS có bề mặt bông mềm mại, còn chị em có nhiều kinh nguyệt hơn và cần thấm hút tốt có thể sử dụng loại BVS có bề mặt lưới.
BVS dù là loại mặt bông hay mặt lưới cũng không nên dùng quá lâu. Siêu thấm chỉ là thấm hút ngay lập tức, nhưng máu kinh vẫn còn nằm trong miếng băng, thời gian dài ẩm ướt sẽ sinh vi khuẩn và có thể gây viêm nhiễm cho người dùng.