Tâm sự thầm kín
Bạn gái có lượng kinh nguyệt nhiều
Mình ra rất nhiều vào ngày thứ hai trong kỳ, đến nỗi phải đặt đồng hồ báo thức lúc nửa đêm để dậy thay băng vệ sinh. Ngay cả băng đêm siêu dày cũng không đủ thấm hết cho đến sáng (Ngọc Lan, 34 tuổi).
Mình đang có vấn đề với cô bạn “đèn đỏ”, càng lớn thì mình càng bị ra nhiều hơn. Cứ 2 tiếng mình phải thay bằng một lần khiến lịch sinh hoạt bị ảnh hưởng rất nhiều (Minh Hoa, 30 tuổi).
Bạn gái có lượng kinh nguyệt ít
Mình chỉ ra một vài giọt máu trong ngày “đèn đỏ” (Mỹ Linh, 25 tuổi).
Mình bị ra rất nhiều vào ngày thứ hai và thứ ba trong kỳ, thậm chí có cả máu đông, dù mình không bị đau bụng kinh (Vân Anh, 22 tuổi).
Lượng kinh nguyệt thay đổi mỗi kỳ “đèn đỏ”
Lượng kinh của mình thì khó đoán lắm, tháng này có thể ra rất nhiều nhưng sang tháng sau lại ra rất ít (Thanh Lam, 33 tuổi).
Lượng kinh nguyệt nhiều hay ít là do đâu?
Lượng kinh nguyệt nhiều (rong kinh)
Trong giai đoạn dậy thì, nội tiết tố estrogen trong cơ thể nữ giới chưa được ổn định. Khi lượng estrogen tăng lên quá mức thì sẽ khiến lớp nội mạc tử cung dày dần lên, trong khi các mao mạch máu không kịp vận chuyển máu nuôi lớp nội mạc này khiến chúng bị hoại tử, bong tróc và gây ra hiện tượng “xuất kinh” nhiều.
Ngoài ra, nếu bạn mắc phải một số bệnh phụ khoa như: u xơ tử cung, viêm cổ tử cung, polyp tử cung,… thì cũng có thể dẫn đến ra nhiều máu trong kỳ “đèn đỏ”.
Lượng kinh nguyệt ít
Buồng trứng hoạt động kém có thể làm giảm lượng kinh nguyệt mà nguyên nhân là do tình trạng căng thẳng kéo dài, tâm lý lo lắng. Ngoài ra, một số chị em bị chứng rối loạn nội tiết tố cũng phải đối mặt với tình trạng kinh nguyệt ra ít.
Cách khắc phục
Có thể nói lượng kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau do chế độ sinh hoạt, cấu trúc cơ thể, bệnh lý mà mỗi người gặp phải. Bạn gái có thể tham khảo những chỉ dẫn dưới đây để khắc phục các tình trạng “bất thường” của lượng kinh nguyệt.
- Có chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc, ăn nhiều hoa quả, chất xơ; hạn chế ăn các đồ lạnh hoặc chất béo (nguyên nhân gây tăng lượng estrogen) trong cơ thể.
- Tránh làm việc quá sức, luôn giữ trạng thái tinh thần ổn định.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay băng vệ sinh thường xuyên để phòng tránh các bệnh phụ khoa, ảnh hưởng đến lượng kinh nguyệt.
- Đến gặp bác sĩ phụ khoa để khám, xét rõ nguyên nhân nếu có bất kì dấu hiệu khác lạ nào trên cơ thể.
Lượng nguyệt san phản ánh tình trạng cơ thể mà bạn đang gặp phải. Hãy kiểm tra thường xuyên và có các giải pháp riêng cho mình để luôn khỏe mạnh các cô gái nhé!